***
– Đại ca, tay làm sao thế kia? – Thấy cánh tay băng bó của tôi nó sốt sắng hỏi.
– Không sao, va quệt trầy xước tí thôi mà!
– Hôm qua đại ca uống nhiều quá.
– Đáng uống không?
Nghe tôi hỏi vậy nó im bặt, chẳng nói năng thêm gì. Tôi ngồi xích lại sau cho nó cầm lái.
– Đại ca, em không nghĩ là sếp nói thật đâu. Chắc phải có uẩn khúc gì lớn lao lắm nên bất đắc dĩ sếp mới phải đi tới quyết định như thế. – Đang đi trên đường nó quay lại bắt chuyện.
Điều nó nói đương nhiên là tôi hiểu. Biết bao nhiêu khó khăn cách trở mới tìm về lại bên nhau. Cùng nhau trải tiếp qua bao nhiêu sóng gió và cả những quãng ngày tuyệt vời thêm gắn bó. Tình yêu giữa tôi và nàng không thể kết thúc bằng vài đoạn chát ngắn ngủi lãng nhách trên mạng ấy được. Tôi không cam tâm. Không chấp nhận, không muốn nghe và cũng chẳng muốn nghĩ.
– Hôm nay là ngày thứ 4 kể từ lúc Ngọc vào Nam rồi! – Tôi thở dài nhẩm tính.
– Vâng!
– Tao không đợi thêm được nữa!
– Em cũng nghĩ vậy.
– Xuống Hà Nội và đặt vé đi. Để tao thu xếp nhờ hội thằng Hòa điểm danh hộ.
– Được rồi đại ca! Em cũng muốn nói chuyện với sếp cho rõ ràng. – Nó gật đầu đồng tình luôn.
***
Xuống tới Hà Nội, Sơn đi lo liệu việc đặt vé. Tôi tạt qua trường nghe ngóng thông tin lịch học, rồi trở về nhà trọ. Nói chuyện với Hòa và Lâm nhờ chúng nó thu xếp điểm danh hộ trong ít nhất là một tuần tới. Dĩ nhiên là tôi giấu nhẹm chuyện đã liên lạc lại được với nàng.
Sau đó đến buổi trưa, mấy thằng lại lôi nhau đi ăn. Vì 4 giờ chiều bay nên cả hội chỉ uống chút ít gọi là có tí men cay đưa tiễn.
Sau khi ăn uống xong, cả hội lại về nghỉ ngơi.
Đang trong trạng thái nôn nóng nên tôi chẳng thể chợp mắt được. Cứ nằm vắt tay lên trán suy nghĩ.
– Renggg! – Chợt có tiếng điện thoại reo.
Tôi bật dậy như tôm, lao tới cầm máy. Nhưng không phải số của nàng, là mẹ gọi.
– Alo, con nghe nè mẹ!
– Làm gì mà từ sáng mẹ điện không nghe máy, cũng chẳng gọi lại? – Giọng mẹ có vẻ trách móc.
– Dạ, con phải lên trường ạ!
Lúc sáng mẹ điện mấy cuộc, nhưng tôi lo ngại việc mẹ biết tôi ngã xe, điện hỏi han nên không dám nghe. Định tìm lý do nào phân bua rồi gọi lại cho mẹ sau mà quên khuấy đi mất.
– Thế bao giờ đi học?
– Dạ, mai ạ! – Tôi thở phào, chắc mẩm dì Thúy vẫn giấu hộ tôi. Chứ nếu mẹ mà biết mẹ chả tra khảo ngay từ câu đầu rồi.
– Sáng xuống sớm, đi chẳng bảo mẹ gì cả. Mẹ đang có chuyện muốn nói!
– Chuyện gì ạ?
– Thôi, để lần tới về. Lo mà học đi! Thế nhé!
Tôi đang định hỏi thêm về “câu chuyện mẹ muốn nói” thì mẹ đã tắt máy rồi. Tôi thở dài đặt máy xuống rồi lại nằm nghĩ vẩn vơ.
– Tít… tít…!
Nằm thêm một lúc thì lại có tin nhắn, tôi lại vồ lấy máy mở ra. Nhưng rồi lại thất vọng, không phải nàng nhắn. Là Mai.
– Anh ổn chứ?
– Cảm ơn Mai, mình vẫn ổn! – Tôi nhắn lại.
– Vết thương trên má còn đau không?
Tôi đưa tay lên sờ má, rồi lại nhìn cánh tay băng bó của mình, cười méo xệch.
– Anh không sao, trầy chút xíu thôi mà! – Tôi nhắn lại tiếp.
– Mai ghét nhìn thấy anh trong bộ dạng như thế… Anh tệ lắm…!
Thấy Mai nhắn vậy, tôi cũng chẳng biết phải nói sao. Mỗi khi bạn ấy manh nha những bộc lộ trong lòng đều khiến tôi khó xử vô cùng. Tôi ngần ngừ một lúc rồi đặt máy xuống, đi vào nhà tắm vục nước rửa mặt.
Rửa mặt xong tôi nhìn đồng hồ, đã gần 2 giờ chiều rồi. Xuống nhà gọi thằng Sơn dậy rồi đi thôi, phải ra trước 1 tiếng để còn làm thủ tục nữa.
Đang định mở cửa bước xuống cầu thang, thì lại nghe tiếng chuông reo. Chắc Mai không thấy mình trả lời nên gọi lại đây mà. Tôi quay lại cầm máy lên.
Không phải số của Mai, là số lạ…
– Alo? – Tôi bấm máy nghe.
– Anh Hiếu phải không ạ? – Giọng một cô gái nói tiếng miền Nam.
– Vâng… Ai vậy nhỉ? – Tôi hơi chột dạ.
– Dạ, em là Lê Chi bạn của Mai Ngọc ạ!
– À…! Chào bạn! – Tôi giật mình nhớ ra nàng đã nói dối gia đình về nhà bạn này ở miền Tây để bay ra đây với tôi. Tóm lại bạn này cũng là đồng phạm đối với bố mẹ nàng, nhưng lại là đồng mình với tôi và nàng.
Tôi khấp khởi mừng rơn vì đã có đầu mối khác để liên lạc với nàng khi vào Sài Gòn.
– Anh à… – Lê Chi có vẻ ngập ngừng.
– Sao bạn biết số mình? Bạn gặp Ngọc chưa? Tình hình thế nào rồi? Ngọc sao rồi bạn? – Tôi sốt ruột hỏi dồn.
– Mai Ngọc đang… đang cấp cứu trong bệnh viện…
– Hả??? – Tôi nghe như có tiếng sét đánh ngang tai.
– Ba của Ngọc… bác ấy… bác ấy mất rồi… mất hôm kia. Sáng nay đưa tang xong, Ngọc đi đâu ý làm mọi người bổ đi tìm. Đến trưa thì có người thông báo bạn ý bị tông xe… đang… đang rất nguy kịch… – Lê Chi thút thít.
– …
Tôi xây xẩm mặt mày, chân tay bủn rủn, lảo đảo cố vịn vào bàn để không khỏi ngã khụy… Chiếc điện thoại rơi xuống đất…
– …
– Alo…
– Alo…
– Anh Hiếu…
Giọng Lê Chi sốt sắng văng vẳng phát ra từ chiếc điện thoại đang nằm dưới đất…
Nhưng tâm trí tôi…
Đâu còn nghe được gì nữa…
– Alo…
– Alo…
– Anh…
Lê Chi vẫn gọi. Sau đó là tiếng tút tút, rồi lại tiếng chuông reo nữa. Nhưng gần như mọi tri giác của tôi đã bị tê liệt hoàn toàn mất rồi. Có chăng sự cảm nhận, chỉ là một tiếng thì thào khe khẽ như gió thoảng không đến từ thực tại…
“Đừng khóc…”
**********
Chapter 56
Những con đường rợp bóng cây, vẫn là nơi tôi thường đạp xe qua mỗi khi đến trường. Khai giảng xong thì cũng là lúc sắc thu bắt đầu len lỏi trong bầu không khí hơi se lạnh mỗi buổi sáng, và nhuộm lên những chiếc lá một màu úa vàng mang theo bao day dứt khắc khoải của hoài niệm, bay lất phất trên những con đường mỗi khi có một cơn gió ùa đến.
Tôi vừa đạp xe vừa nhìn ngắm, vừa trải lòng vào những tia nắng len lỏi qua từng tán lá, và những xào xạc thổn thức úa vàng… Sự trải lòng không phải là những suy nghĩ cằn cỗi như những chiếc lá khô kia. Mà đó là những rung động đang rạo rực nơi trái tim… Một cảm giác lạ lẫm lần đầu tiên xuất hiện trong tâm trí…
“Mai Ngọc” – Bất giác tôi lẩm bẩm.
Vụ đi giặt giẻ lau bảng tủi hổ của ngày nhập lớp hôm qua đã nhanh chóng bị lu mờ. Bởi cái tên ấy, bởi nụ cười như bông hoa đang hé nụ, và cái nhíu mày nghiêm khắc… đã khiến tôi không thể nhập tâm vào mấy cuốn truyện kiếm hiệp, khiến tôi nửa đêm vẫn trằn trọc chống tay suy tư, và tủm tỉm cười khi nghĩ về.
Mọi thứ cứ đến nhẹ nhàng và ngỡ ngàng như những cơn gió mùa thu.
Tôi còn chẳng kịp nhận ra là tôi đã có thói quen liếc nhìn mỗi khi bạn ấy đạp xe phóng vụt qua tôi. Mỗi khi bạn ấy đi dưới sân trường, hay mỗi khi bạn ấy ngồi chống cằm thả hồn vào những trang báo Hoa Học Trò.
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở mức bạn bè xã giao trong lớp mà thôi. Dù tôi có cố gây chú ý thì cũng vẫn chỉ nhạt nhòa như hội con trai khác trong lớp. Bởi xét cho cùng thì tôi cũng đâu có gì nổi trội hơn chúng nó ngoài vẽ vời với văn vở.
Qua học kỳ I, tôi đã bắt đầu thấy khó chịu mỗi khi mấy thằng… à không, mấy anh lớp trên cứ thi thoảng tạt qua ngó nghiêng nhìn nàng. Rồi thì thư từ trên phòng văn thư chuyển xuống, thư nhét trong ngăn bàn, tóm lại là cũng một cơ số. Nhưng tôi hả hê khi thấy bạn ấy có vẻ không bận tâm lắm.
Những nơi nàng hay lui tới như quán ốc, chè kem, và mấy cửa hàng cho thuê truyện tranh sau mỗi giờ học thêm hay học chính. Tôi nhanh chóng nắm bắt và hay phục ở đó. Nhưng kết quả cùng lắm cũng chỉ là nụ cười và cái vẫy tay chào hỏi của nàng như đối với bao người khác mà nàng quen biết. Nhưng tôi vẫn hài lòng, đơn giản là mỗi khi nhìn thấy nụ cười đó, tôi thấy cõi lòng mới bình yên làm sao.
Ngày valentine, nàng nhận bao nhiêu là quà của mấy ông lớp trên. Những món quà trực tiếp trao tay thì nàng kiên quyết không nhận và chạy vụt đi để lại đằng sau bộ mặt tiu nghỉu thất vọng tràn trề của mấy gã đó. Những món quà nhờ mấy đứa trong lớp chuyển cũng chịu chung số phận, chỉ có mấy món một số thành phần “chai mặt cơ bản” đến sớm nhét trong ngăn bàn thì nàng đành miễn cưỡng mang về.
Tôi đứng lấp ló sau gốc cây xà cừ cạnh bãi để xe, hồi hộp dõi theo nàng. Thấy nàng thoáng ngạc nhiên rồi cầm lấy bông hồng đã được “ai đó” cài cẩn thận trên giỏ xe từ lúc nào, tôi gần như nín thở. Nàng ngắm nghía giây lát rồi ngoảnh nhìn xung quanh, tôi vội rụt đầu, rồi tựa lưng vào gốc cây, tim đập thình thịch. Sau đó mới lại thò mặt ra ngó tiếp, nhìn nàng cài bông hoa vào cặp rồi đạp xe ra phía cổng trường. Tôi mời thở phào, tim vẫn đập mạnh nhưng theo nhịp điệu rộn ràng. Chỉ thiếu chút nữa là tôi nhảy cẫng lên hét thật to. Dù cho nàng chẳng biết chủ nhân của bông hồng đó là ai, tôi cũng đâu có để tâm… Valentine với tôi như vậy đã trọn vẹn ý nghĩa lắm rồi.