-Về nhé!
Tôi gọi với lại:
-Ê, khoan đã! Cái chuyện lúc nãy tao nói… có được không mày?
Em chợt dừng bước như ngẫm nghĩ điều gì đó. Đột nhiên em quay lại, tay nhét cánh hoa phượng ban nãy lên tóc tôi rồi cười ngất:
-Trông xinh lắm đấy!
Nói xong, em chạy thẳng vào nhà, chẳng cho tôi kịp ú ớ thêm câu nào. Cái thái độ như vậy là sao? Hoa hoét gì ở đây? Thế rốt cục là không hay có đây? – Tôi đần mặt với hàng trăm câu hỏi. Tôi không bao giờ và mãi mãi không bao giờ hiểu hành động của em. Từ hôm ấy, tôi cũng không đề cập chuyện này thêm lần nào nữa. Riêng cánh hoa phượng, tôi đã giữ nó cẩn thận suốt một thời gian rất, rất dài.
Rốt cục thì thời gian chẳng chờ đợi ai. Đợt thi học kỳ kết thúc chóng vánh như muốn đá đít lũ học sinh khỏi trường cấp hai càng nhanh càng tốt. Nhờ may mắn ôn đúng tủ, bài thi môn hóa học của tôi đạt điểm cao ngất. Cuối năm, tôi nhận bằng khen học sinh giỏi trong sự ngỡ ngàng của vài đứa vốn ghét mình. Chúng nó thủ thỉ tôi gian lận thi cử nên mới được kết quả ấy. Cuộc sống không hoàn toàn như ý và bạn phải chấp nhận nó. Ban đầu tôi tức lắm, nhưng sau cho qua. Chỉ còn mấy ngày đi học, không nên tốn calo cho chửi nhau và bất hòa. Giống các bậc đàn anh, trong hai tuần đi học cuối cùng, tôi hì hụi khắc dấu ấn bản thân lên mặt bàn, lên cửa sổ bằng chiếc compa. Đại khái như “Teo Tóp đã ở đây” hoặc “Teo Tóp was here”. Những chiếc bàn đẹp đẽ thuở nào giờ chi chít hình trái tim, “Hằng ơi, I love you”, “Anh đã ở đây”, “Cô giáo Thảo” và vô số hình vẽ tục tĩu bằng compa hoặc bút xóa. Có thằng còn cẩn thận khắc bài thơ “Chân đi chữ bát…” nhằm truyền bá cho thế hệ sau. Lũ con gái thi nhau viết lưu bút, còn tụi con trai cố gắng đi chơi điện tử được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng tôi cố gắng bớt xích mích, bởi lẽ chẳng đứa nào muốn kết thúc cuộc đời cấp hai trong sự nóng giận hoặc cãi nhau. Tôi cũng dành nhiều thời gian nói chuyện với Linh hơn. Giữa chúng tôi không bao giờ hết chuyện, song cả tôi lẫn em đều lảng tránh câu chuyện ở lăng Bác.
Rồi ngày bế giảng diễn ra. Bọn lớp 6, 7 và 8 vui như hội; còn lũ cuối cấp hơi buồn. Chia tay bạn bè ở tuổi mười lăm không phải chuyện dễ chịu. Sau đó, nhà trường quyết định dành riêng một ngày vui chơi cho khối 9, nhưng là sau kỳ thi tốt nghiệp.