-Mày phải về quê! Họ hàng anh em ở đấy, không về thì đi đâu? Mai sau chúng tao chết đi thì chôn ở đấy, mày phải về mà thắp hương rồi trông coi nhà cửa chứ? Ông tưởng ông dân Hà Nội á? Nhà quê lõ đít ra con ạ!
Nhằm thuyết phục tôi, mẹ hết khuyên răn, dọa nạt rồi chửi thối đầu. Sau vài ngày, cuối cùng tôi phải giơ tay đầu hàng và về quê với bộ mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Tôi không phân biệt quê hay thành phố, mà vì đối với tôi, quê chẳng có gì hay ho. Tôi phải gặp một mớ trẻ con gọi mình bằng “bác” hoặc “ông trẻ” (tiên sư chúng mày, tao còn chưa có vợ!); phải gặp những bà cô ông bác lạ hoắc mà mình chưa từng thấy bao giờ (và họ lúc nào cũng hỏi khi nào tôi cưới vợ). Bởi không sống ở đây nên khi gặp họ hàng, tôi cảm giác họ chỉ là những con người xa lạ. Nói thật, tôi biết ông hàng xóm rõ hơn mấy người bà con nhiều lắm.
Mà khổ nhất là những ngày đi chúc Tết. Tôi bắt buộc phải đi vì ông già cần một thằng xe ôm miễn phí, lại chắc tay để lượn qua những cung đường đầy ổ gà lẫn phân trâu. Đồng thời nhỡ ổng uống say thì thằng con có trách nhiệm thồ về. Ở đâu không biết chứ ở quê tôi, đi tới nhà nào là họ sẽ mời cơm, mà đã cơm thì tất có rượu. Họ hàng nhà tôi ở quê khá đông, đi chúc từ mùng 3 tới mùng 5 cũng chửa hết, một ngày ít nhất cũng năm sáu chỗ, mỗi chỗ hai ba chén rượu là đủ chết. Tôi tửu lượng kém nên đợt ấy say bí tỉ, lần nào về nhà cũng gọi tên chị Huệ. Cái Tết năm đó của tôi chỉ gói gọn trong ăn, uống và chị Huệ. Bao nhiêu dự định đi chơi với Linh của tôi đổ bể sạch sẽ.
Quay cuồng trong rượu chè chúc tụng, tôi quên mất khái niệm ngày và đêm, thậm chí suýt quên luôn Hoa Ngọc Linh nếu thằng Choác không kịp thời nhắc nhở. Tối hôm mùng 4, thằng Choác gọi điện chúc Tết cho tôi:
-Về quê vui không mày?
-Vui kẹc! Ngày nào cũng rượu, sắp điên rồi đây!
-Hớ hớ! Chúc chú năm mới học hành tốt và kiếm được bạn gái! Mà mày với con Linh tới đâu rồi?
-Thì vẫn thế. Tao định rủ nó chơi Tết mà cuối cùng có đi được đâu?
-Thế từ hôm về đến nay đã gọi điện chúc Tết nó chưa?
Tôi ngẩn mặt ra một lúc rồi nói: