Cậu em trai kém tôi ba tuổi cũng rất lưu luyến khi phải chia tay chị. Tôi dặn dò nó, chị đi rồi, em nhớ phải thay chị chăm sóc cha mẹ. Em trai tuổi còn nhỏ, nhưng khi nghe chị dặn dò cũng gật đầu rất mạnh mẽ và dứt khoát. Trong lòng tôi, lần đầu tiên cũng đã thầm coi cậu em bé bỏng là một người “đàn ông” đích thực .
Chỉ có điều, tôi không nhìn thấy cha.
Khi tấm khăn màu đỏ đã được trùm lên đầu, mẹ luôn miệng dặn tôi, dù thế nào cũng không được tự gỡ nó xuống.
Tôi gật đầu. Nhờ ánh sáng bên ngoài, tôi nhìn thấy trên khăn trùm đầu có thêu một đôi chim uyên ương. Nghe nói, uyên ương là một loài chim rất trọng tình cảm, cả đời không bao giờ thay đổi bạn tình, lúc nào cũng yêu thương nhau, mãi mãi không chia lìa.
Đôi uyên ương thêu trên chiếc khăn trùm kia như đang muốn bay lên… Tôi tưởng tượng ra hình ảnh tân lang chính là anh họ, tôi và chàng cũng giống như một đôi chim uyên ương.
Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng mình thấp thỏm không yên, thêm vào đó là chút vui mừng xen lẫn thẹn thùng của người con gái lần đầu tiên xuất giá.
Khi tôi đã ngồi yên trên kiệu hoa, một giọng nói trầm đục vang lên :” Khởi kiệu”.
Đó là giọng của cha.
Bỗng dưng tôi cảm thấy vô cùng buồn bã. Tôi nhớ đến hình ảnh người cha hiếm khi mỉm cười của mình. Giờ phút này, không biết cha có chút tình cảm thương xót nào đối với đứa con gái của mình hay không.
Khoảnh khắc cảm nhận được nhịp đung đưa của chiếc kiệu hoa cũng là lúc tôi biết rằng mình đang rời xa ngôi nhà đã nuôi dưỡng tôi suốt mười lăm năm qua, có lẽ suốt quãng đời còn lại, tôi cũng không còn cơ hội gặp lại những người thân của mình nữa.
Tôi nhắm mắt lại, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Nước mắt thấm ướt cả chiếc khăn tôi đang cầm trên tay.
Từ khi được sinh ra cho tới năm mười lăm tuổi, tôi chưa một lần bước chân ra khỏi cổng nhà. Lần đầu tiên “đi” ra ngoài này khiến tôi không khỏi hiếu kỳ.
Không biết, bên ngoài bức tường cao vời vợi kia là một thế giới như thế nào.
Tôi muốn đưa tay vén trộm chiếc khăn trùm đầu lên để nhìn, nhưng nhớ đến lời dặn dò của mẹ, tôi lại cố gắng dằn lòng.