– Mỗi con đường hình thành nên một con người luôn có nhiều khúc quanh. Tôi xin lỗi vì tò mò vô ý.
– Phi. Anh gợi cho tôi một ý tưởng tốt. Chúng ta quên mất khúc quanh của đời người. Tôi biết chúng ta phải làm gì. Mọi sự định hướng tập trung về Trần Mạnh Khoa, đơn giản, là muốn chúng ta quên đi cô gái. Nhanh, nhanh lên anh, trở về nhà kẻo không kịp.
***
– Phi, anh thấy không, chúng ta bỏ qua cảm xúc của cô gái. Một người con gái đột ngột có đời sống kinh tế khá giả lên, cô ta sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên? À há, anh không biết đúng không? Hưởng thụ cuộc sống. Tâm lý nhược tiểu của kẻ nghèo. Luôn tìm mọi cách chối bỏ quá khứ nhọc nhằn. Mà anh nhìn đây, cô gái không dùng iPhone, nhà không hề có máy tính bảng, không có trang phục quá đắt tiền, hay có bất cứ thứ gì để phô diễn đời sống dư dật. Nếu nói cô gái không thích đời sống tiện ích và vật chất là trái với tâm lý của một người đang trưởng thành vốn nhiều nhu cầu. Theo anh, điều gì đã khiến cô gái trở nên như vậy?
– Tôi không nghĩ người cha có thể tiện tặn với đời sống người con, một người có đời sống khắc kỷ chỉ có hai nguyên nhân: tiền túi không nhiều và…
– Tôn giáo.
– Đúng, nhưng trong nhà không cho thấy cô gái là một tín đồ ngoan đạo.
– Đó chính là cái mà kẻ sát nhân đã không muốn chúng ta để ý. Anh nhìn xem, trên đầu giường có ba cây đinh, rõ ràng nơi đó dùng để treo một cái gì đó. Đây nữa, con ốc lòi ra mà không có một vật kỳ, kia nữa và kia nữa. Cô gái có đạo, tôi đoán là Catholic và một thứ Catholic khắc kỷ, thủ phạm đã tiêu hủy và mang đi những bức tranh và phù điêu tôn giáo. Anh nghĩ xem, lí do gì hắn muốn loại trừ khía cạnh tôn giáo của cô gái ra khỏi óc chúng ta?
– Tôn giáo là một nguyên nhân.
– Điều tra trở ngược lại từ nhà thờ. Tôi tin chắc anh sẽ biết được cô gái thường đi nhà thờ nào từ cha cô ấy và hẳn, ông ta cũng là một tín đồ ngoan đạo. Anh biết không, không bầy chiên lúc nào cũng có vài con chiên ghẻ. Gia Cát Lượng của chúng ta không chừng là con chiên ghẻ xấu xa nhất của đàn. Không chắc, nhưng biết đâu được.