Quang: Em vào trong Nam, thấy người Nam ít quan trọng việc sửa soạn bàn thờ hơn ngoài đây.
Tôi: Đúng, vì văn hóa. Trong Nam, bàn thờ thường gọn, nhỏ, trừ nhà giàu. Có thể lý giải vì trong Nam các gia đình thường tác li nhau ra, do đặc tính địa lý vùng sông nước. Nên ít khi nhiều thế hệ quần tụ sống ở một nơi. Khác với miền Bắc, nhiều gia tộc sống chung với nhau cả trăm năm. Nên bàn thờ là nơi quy tụ cả nhiều thế hệ tổ tiên.
S.H: Em hiểu rồi, vì văn hóa Đông Á trọng thị về tổ tiên, nên đến nhà ai cũng cần chú ý đến bàn thờ nhà họ.
Tôi: Chính xác. Thật ra là chưa đủ, nhưng học quan sát, hai đứa chỉ cần tập một vài thói quen, sau đó từ từ mổ xẻ nó ra. Lâu dần thành thói quen, thói quen sinh kinh nghiệm, khi kinh nghiệm va chạm thực tế đủ lâu thì nó trở nên chính xác mà trở thành kiến thức, kiến thức dồn tụ cả một đời người thì đủ chiều sâu để trở thành tri thức.
Quang: Vậy, cứ quan sát, tập ghi nhớ mọi điểm mình nhìn thấy. Lưu nó lại trong óc, sau đó gặp nhiều nơi có nhiều đặc điểm tương tự sẽ tạo nên một công thức chung. Sau cùng là cố giải xem công thức đó chứa đựng quy luật và cấu trúc gì. Như vậy, mình sẽ đúc kết được nhiều điều.
Tôi: Vậy chắc em hiểu vì sao tôi không dạy em quan sát, mà để cho hai đứa tự quan sát một cách độc lập. Vì, nhiệm vụ của tôi là giúp hai đứa nối kết lại những gì mình quan sát thành một quy luật. Nên nhớ, mọi quan sát phải mang tính cá nhân. Không phải vì tôi thích nhìn cái này, thì hai đứa phải nhìn nó. Quan trọng là tự tạo nên lý giải hợp lý cho những gì mình quan sát.
****************
Bốn Ngày Xứ Bắc (Phần 2)
Tôi đứng dậy, vươn vai nhìn ra cửa sổ, Quang và S.H còn bàn tán sôi nổi về chủ đề vừa thảo luận. Nhìn Hà Nội vào nửa đêm, ánh đèn leo lắt của con phố nhỏ cố vươn dài bóng sáng trên vách tường bóng dáng của một cô gái giang hồ. Nhăn mặt, thở dài.
Quang và S.H sau một hồi tranh luận thì mệt mỏi trong giấc ngủ, tôi vẫn thói quen ngồi cạnh khung cửa sổ, cố dõi mắt ra phía bao lơn. Hà Nội về đêm nhợt nhạt với mảng tường bong tróc lộ ra những bó xương gạch đỏ như máu, nó như vết loét da thịt của kẻ chịu trận bom đạn và lòng người nhiều năm vẫn chưa lành. Di chứng của vết thương tâm hồn khuyết tật, nỗ lực Hà Nội thời hiện đại là nỗ lực chữa lành vết thương nhằm phục hồi tâm hồn dĩ vãng. Họ nhắc nhớ nhau về nét thanh lịch Hà Thành, về một thời sĩ phu Bắc Hà, về thời đại của văn nhân thi sĩ mà hồn thơ lai láng còn ám ảnh tâm hồn họ. Hà Nội không còn trẻ, lúc đương Xuân thì thì gánh gồng gánh ký ức xưa để người Việt tìm về nhau, luc trưởng thành là nuôi nấng biết bao tài năng từ khắp nơi miền Bắc và gồng gánh cả những cuộc chiến mong muốn lẫn không mong muốn, ngày nay chỉ còn lạ phế tích điêu tàn trong tâm thức. Nét nhăn nheo, còn hiện trên phố cổ; sự trơ xương gầy guộc như cầu Long Biên bắc qua sông Hồng; làn da xám xịt của người chết còn ám ảnh trên lớp vôi bột chắp vá khắp nơi; vẻ kiêu kỳ đĩ thỏa cố trát những lớp son cuối mùa trên đô thị già nua bằng những tòa nhà chọc trời, khu thương xá nặng nề màu sắc. Một nỗ lực lấy lại tuổi Xuân đã mất.