Khác với những lần trước, lần này Phi không cần đến sự lí giải của tôi, mà anh nhìn thấy công thức tạo nên kết quả. “Tất cả hình ảnh hai vợ chồng tuy ít nhưng người chồng chiếm vị trí trung tâm bức hình và người đàn bà không được phép bày tỏ quá nhiều tình cảm, cho thấy quyền lực tuyệt đối. Khoảng cách giữa hai vợ chồng trên hai bức tranh đủ lớn đến mức cho thấy người chồng bất cần người vợ và hiển nhiên là ít giao tiếp với vợ mình. Đó là hành vi kẻ không yêu vợ mình và chán ghét đời sống hôn nhân. Căn nhà giản dị quá mức, cho thấy kẻ ở chẳng buồn bận tâm tới nó, sự bỏ bê đó cho thấy thái độ chán chườn; sự chán chườn sẽ tạo năng lượng cho những hoạt động khác…”
Tôi tiếp lời Phi “Bằng cách ít ở nhà hơn, ra ngoài lúc 5 giờ sáng để tập thể dục mà xem chừng là giải thoát khỏi sự nhàm chán. Đi làm cả ngày, đôi khi không ở nhà, ngủ đêm thường xuyên bên ngoài cho thấy lão chán ghét căn nhà này đến dường nào.”
Phi nghiêng mình hỏi tôi, “Còn việc sống cay nghiệt với hàng xóm?”
“Một người vợ cô đơn đến nhàm chán trong căn nhà, khi nói chuyện với chúng ta, cho thấy bà ta chưa hề được nhiều cơ hội tiếp xúc. Trong con hẻm này không thiếu người rãnh rỗi, tại sao không có lấy một người tiếp xúc với bà ta để vơi đi tâm sự? Nếu như bà ta không bị người ta ghét, nhưng khi chúng ta tiếp xúc, bà chưa hề là một người đáng ghét. Vậy cái ghét phải thuộc về người chồng. Kẻ mà sống khiến láng giềng không ưa, đến ghét, thì kẻ đó phải có một đời sống cay nghiệt với người xung quanh.”
Phi nhắm mắt, thở dài “Đó là tâm lý một kẻ trả thù cuộc sống bằng sự khuyết tật tâm hồn mình.”
Tôi lắc đầu, “Không, nó xa hơn đó là sự độc ác tiềm tàng. Mọi đời sống cay nghiệt dù với người nhà hay người xung quanh đều là cái ác được chuẩn hóa bằng hành vi đạo đức. Chúng thích phê phán, mắng nhiếc kẻ khác vịn vào cớ đạo đức để giải tỏa lòng căm thù của mình. Chúng chì chiết kẻ yếu thế ngày này qua ngày nọ mà tự nhủ rằng đó là một điều tốt, mà không nhận ra một thực tế hành vi đó chưa bao giờ có một lòng trắc ẩn. Kẻ không có lấy trong người một tiếng nói lương tri, hay sự thôi thúc từ lòng trắc ẩn, kẻ đó chỉ còn lại cái ác bao trùm. Cái ác đó sẽ tiến đến hành vi tội ác khi có điều kiện. Tôi nhiều năm trong nghề mô phạm, nhìn thấy hành vi của bọn trẻ với nhau, đối chiếu nó với hành vi người lớn. Tôi thấy rằng, sống cay nghiệt là một tâm hồn quỷ dữ được nuôi dưỡng hằng ngày bởi mớ lý luận đạo đức thế tục. Nó nằm trên miệng kẻ đi chùa vào mùng một, ngày rằm nhưng đong đếm từng giọt nước, mảnh sân, đống rác với hàng xóm. Chúng rủa xả một cách tồi tệ kẻ khác nhằm thỏa mãn cái ác trong mình, một sự nuôi dưỡng tàn tệ. Sau đó, chúng thường tỏ ra mình thật thánh thiện và tâm hồn Bồ Tát. Không quá khó nhận ra đó là khía cạnh đời thường của lão giáo sư Lâm.”