Kết thúc trận chung kết giải chim hay toàn ký túc, anh em bàn nhau năm tới có khi rủ mấy thằng ở các ký túc lân cận gồm Ngoại ngữ, C500, Kiến Trúc,… tổ chức giải Tứ hùng cho vui, in cả cờ lưu niệm đàng hoàng, trên đó ghi dòng chữ vàng “Vô địch chim Giải Tứ hùng mở rộng cụm ký túc Thanh Xuân Bắc”. Tất nhiên sẽ có các giải phụ đi kèm, như giải người có chim khả ái nhất, người có mái lông chim đẹp nhất, hay người có chim ứng xử hay nhất, etz…
Nhưng rất tiếc dự đinh tốt đẹp đó đành dang dở vì không tìm ra nhà tài trợ.
**************
Chap 9: Vũ điệu hắc lào
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Buổi sáng hôm ấy, một buổi ban mai đầy sương thu và gió lạnh, chị bán thuốc tây ở cổng ký túc âu yếm nắm tay tôi hỏi “Thế ghẻ hay hắc lào để chị lấy thuốc đây?”
Xin lỗi bác Thanh Tịnh, em nhại văn bác phát có gì bác bỏ quá vì em đã dẫn link tác giả tử tế, cơ mà khúc nói về ghẻ và hắc lào là em chế vào cho hợp tâm tư sinh viên ký túc thời đó.
Thôi không đùa nữa. Có thể nói với lũ sinh viên nội trú khi ấy, có một thứ rất khó để giấu, đó là vấn đề ghẻ và hắc lào. Chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu và lý giải thấu đáo sự xuất hiện của ghẻ ở ký túc, nhưng với anh em sinh viên thì tất cả được đổ cho nguồn nước. Đó là cách thông minh nhất, cũng như mắt bị lác là tại hướng đình – thế cho lành.
Trong khuôn viên Mễ Trì có những hàng cây cổ thụ rất lãng mạn, và nếu bắt gặp một lãng tử sơ vin, áo trắng cổ cồn, đứng trầm tư, một tay đút túi quần rất phiêu du bên gốc xà cừ…. thì đích thị anh ấy đang gãi ghẻ. Đó sẽ là hình ảnh kiêu hùng và bi tráng nhất của một nam sinh nội trú mà mai sau mỗi khi nhớ lại, nó khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi.
Sau đây là mẩu đối thoại phổ biến trong cuộc hạnh ngộ giữa anh Mễ Trì và anh Bách Khoa:
– Ồ bạn hiền! Dạo này vẫn ghẻ chứ?
– Không bạn ơi, chuyển sang hắc lào rồi.
– Tốt quá, tôi thì song kiếm hợp bích cả ghẻ lẫn hắc lào mới đau em!