Thu xếp đồ dọng trong vali, tôi cùng thằng em ngồi yên trong phòng khách chờ ông anh đến. Chưa bao giờ tôi muốn cảnh vật xung quanh mình yên lặng đến thế. Tôi muốn nhìn lại, nhìn lại tất cả.
Về đến nhà ngoại, việc đầu tiên tôi làm là hỏi xem ông đã được liệm xác chưa, ai cũng nói là chưa và tôi bước vào căn phòng đang sáng trưng ánh đèn huỳnh quang ấy. Căn phòng mà khi đổ bệnh ông vẫn nằm. Nhưng khác với mọi lần khi tôi đến thì ông từ tốn mà ngồi dậy rồi hỏi tôi vừa đến hay sao. Giờ ông nằm yên ở đó các bác ạ, ông tôi lúc đó mặc bộ đồ màu vàng thật đẹp, trên mặt được phũ lên một tấm vải đỏ óng. Nhìn ông lúc đó, 2 tay để ngang bụng, trông thanh thản lắm. Tôi đóng cửa lại rồi cúi xuống ra sau nhà rửa mặt để giấu đi giọt nước mắt vừa mới rơi.
Cả nhà tôi cắm cọc luôn ở nhà cậu 6 tận 5 ngày làm tang lễ. Từ sáng đến chiều tôi lo chạy bàn bưng cơm nước cho khách đến viếng, quỳ trước linh cửu ông nghe thầy niệm kinh, rồi đúng 10h mỗi tối, tôi cùng thằng Kha trãi chiếu nằm một bên linh cửu ông. Luôn là bên trái vì bên phải có mấy người đánh trống thổi kèn ngồi cả rồi. Và 5 ngày trôi qua với tôi kết thúc bằng trận khóc sau nhà khi tuổi ông không hợp tuổi tôi nên bị cấm không cho đi tiễn.
Ngày hôm ấy cũng là ngày lên trường xem lớp thi khối B và D, tất nhiên là tôi ở nhà, chả thi cử gì nữa. Đến thi cao đẳng thì tôi cũng vấp cần thang té cái ành, xong luôn kì thi.
Mãi đến sau này khi tôi đã trải qua năm nhất cũng đầy biến động. Hôm ấy mẹ tôi nhắc lại rằng ông ngoại lúc trước lo cho 2 anh em tôi lắm. Cứ hễ mẹ tôi gọi điện về hỏi thăm ông là câu cuối cùng ông đều không quên hỏi 2 thằng tôi thế nào, học hành ra sao? Rồi khi mẹ tôi về chăm ông lúc ông bệnh thì vẫn câu hỏi cứ được lặp lại là anh em tôi ở nhà có được không? Rồi cơm nước sao mà dám thả ở nhà.
Thế đấy, ông ngoại tôi không hề cho tôi những cái xoa đầu hay những câu hỏi thăm trước mặt. Ông luôn dành một tình yêu thương nhất định cho từng đứa cháu của mình qua những lời hỏi thăm gián tiếp. Thế mà tôi có biết đâu chứ! Giá như ngày ấy…