Nhưng người tính không bằng trời tính.
Tại sao nói câu này?
Từ từ sẽ rõ.
Và thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó đã qua một tuần đầy gian truân với những tiếng la the thé của nhỏ Tiên khi lúc nào tôi cũng “đá lộn sân” trong giờ học. Muốn lên làm bà nội tôi lắm rồi đó!
– Ông làm gì vậy hả? Giờ này là giờ Công nghệ mà!
– Thì kệ người ta đi – Tôi nhăn mặt khi đang chăm chú vào cuốn sách Hình học.
…..
– Ông bị điên hả? Tiết cô Hân mà dám lấy Toán ra làm hả?
– Bịnh gì cử?!
– Rồi lỡ cô Hân xuống sao? – Giọng nhỏ xuống hết cỡ chỉ đủ để tôi nghe thấy.
– Thì che lại – Tôi lấy cuốn sách Anh văn để hờ lên vở Toán trá hình.
– Ôi dzời, cậu ấy muốn nhất khối mà lị – Thằng Cẩn ngồi trên chỏ mỏ xuống.
– Trung Cẩn phải không? Đọc cho cô đoạn 2 nào!!!
Há há, trời bất dung gian mà lị, cho cái tật nhiều chuyện hả con. Á mà trời luôn lượng thứ cho tôi, đơn giản tôi chăm chỉ học mọi lúc mọi nơi mà, hê.
Mà cũng lạ, lần đầu tiên gặp cô Phương cũng chính là cái khoảng khắc tôi cho môn Lý vào dĩ vãng cái một, không đôi co thêm lời nào nữa sất. Nhưng trong tâm tưởng tôi thì Lý vẫn là môn đáng quan tâm, chỉ để thực hiện lời hứa.
(Các bác có bảo em qua cầu rút ván, có mới nới cũ cũng chịu, vì bởi lẽ em đã quyết tâm đi theo con đường… Toán học lừng danh rồi)
Vào một ngày đẹp trời tiếp theo, tiết cuối thứ 5 của tuần thứ 2.
11h35’ tôi đứng trước bàn giáo viên mà chờ cô giáo dạy Lý đã “theo” tôi lên cấp 3 xếp sách vở trên bàn vì câu nói: “Khi về Nguyên ở lại chút cô có chuyện bàn nhé”.
Thật ra cái sự việc này nó quá là bình thường với tụi thằng Cẩn nhỏ Hạnh, vì kể từ cấp 2 thì cô Yến gọi tôi nán lại thường xuyên do kì thi Olympic. Còn lũ học sinh 10A1 mới? Tất nhiên chúng nó lấy làm hơi lạ vì tự dưng cô lại kêu một Sao đỏ vô danh. Mà chỉ là thoáng qua thôi, xong tiết cả lớp thu xếp rồi lục tục kéo nhau về, chính thằng Khôi cũng tót ra cửa trước rồi.
-Dạo này học hành sao rồi Nguyên? Ổn không? – Cô nhẹ nhàng hỏi tôi, như rót mật vào tai vậy. Cô Yến luôn như thế, vẫn luôn dịu dàng nhất có thể.
– Dạ cũng bình thường, học trường cũ mà cô, hì – Gặp thầy cô là chữ “hề” của tôi biến thành “hì” ngay và luôn.