Hồi xưa đâu có vậy. Cách đây bốn mươi năm, con Tí sún có lẽ cũng từng nuôi hy vọng tôi sẽ nghe lời nó, dù chỉ môt lần.Nhưng hy vọng nhỏ nhoi đó, nó không bao giờ nuôi nổi.
Hy vọng trong lòng nó vừa lóe lên, đã bị tiếng quát của tôi làm cho tắt ngóm.
Ngày nào tôi cũng quát nó để sung sướng nhìn thấy nó rụt rè giương mắt ngó tôi và sau đó tuân lệnh tôi răm rắp.
Để cho đời bớt nhạt, một hôm tôi bảo nó:
– Tụi mình sẽ đi tìm kho báu.
– Kho báu ở đâu mà tìm?
– Tụi mình sẽ vượt biển khơi. Kho báu thường được chon giấu ngoài đảo hoang.
– Eo ôi, còn bé như tụi mình làm sao vượt biển khơi được?
– Mày nhát gan quá! – Tôi nheo mắt nhìn con Tí sún – Tao xem phim, thấy cả khối người đóng bè vượt biển.
– Nhưng họ là người lớn.
Tôi nhún vai:
– Người lớn hay con nít gì cũng thế thôi! Quan trọng là có gan hay không!
– Nhưng người lớn thì không cần xin phép ba mẹ.
Con Tí sún làm tôi chưng hửng. Lý lẽ của nó hết sức đơn giản nhưng hết sức quan trọng. Quan trọng hơn cả chuyện có gan hay không.( Chà cái phẩm chất thật thà một cách thông minh, nó đã bộc lộ từ bé!).
– Ờ há. – Tôi hạ giọng – Thế thì tụi mình sẽ không vượt biển nữa. Nhưng tụi mình có thể vào rừng sâu hay lên núi cao.
– Rừng sâu hay núi cao thì cũng thế.- Con Tí sún lại nói, tự nguyện tròng vào mặt vẻ biết lỗi vì lại tiếp tục ngăn cản tôi – Chắc chắn ba mẹ sẽ không cho tụi mình ra khỏi nhà lâu như vậy.
– Ờ. – Tôi thở dài, hờn dỗi – Ba mẹ không bao giờ tin tụi mình. Ba mẹ bao giờ cũng sợ tụi mình lạc.
Tôi tiếp tục ấm ức:
– Nếu tụi mình không đi lạc thì ba mẹ lại sợ mình bị rắn rết hùm beo tha đi mất.
Thấy tôi buồn, con Tí sún buồn theo. Nó lắc cánh tay tôi, nói như an ủi:
– Đợi lớn lên đi anh. Khi trở thành người lớn, tụi mình có thể đi bất cứ đâu mà không có ai cấm cản.
Nó lim dim mắt, xuýt xoa:
– Ôi, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy thú vị rồi.
Một lần nữa, con Tí sún lại là người phát ngôn của chân lý. Nhưng ngay cả chân lý cũng có mặt thứ hai của nó. Sau này tôi dần dần khám phá ra rằng nếu khi còn bé tôi thường xuyên đau khổ vì không được làm những gì mình thích thì khi lớn lên tôi lại rơi vào những nỗi khổ đau khác vì có quá nhiều tự do để làm những điều mình thích, mà so với trẻ con thì những ý thích bốc đồng của người lớn thường là ngu ngốc và nguy hiểm hơn nhiều.
Người lớn tất nhiên cũng có những người lớn của mình. Nếu những nguyên tắc đạo đức là bà mẹ thì những nguyên tắc luật pháp là ông bố của người lớn: một bên đưa ra những khuyên giải nhẹ nhàng, một bên suốt ngày hầm hè và thốt ra những răn đe. Nhưng cũng giống như trẻ con, người lớn không phải lúc nào cũng biết vâng lời bố mẹ. Vì vậy mà tôn giáo xuất hiện. Tôn giáo xét về phương diện nào đó, cũng là đạo đức và pháp luật. Nó khuyên làm điều này, cấm điều kia. Nhưng vì tôn giáo xây dựng trên đức tin, nên con người ta làm theo mà không thắc mắc (theo kiểu con cái hay thắc mắc trước những mệnh lệnh của bố mẹ), bởi một thực tế là nếu không còn ai tin nữa thì con người cũng khó mà yên tâm về sự tồn tại của mình trên cõi đời.
Ôi, tôi lại nói lăng nhăng những gì thế này!
Tôi đang nói về tôi và con Tí sún, về kế hoạch truy tìm kho báu sắp sụp đổ thảm hại của chúng tôi.
Như vậy, chốt lại chúng tôi không ra đảo được, cũng không lên núi hay vô rừng được. Tám tuổi thì khốn khổ khốn nạn thế đấy: Cuộc đời nhìn đi đâu cũng thấy rào cản giăng giăng.
Tôi ngó con Tí sún , thấy nó giống hệt một sinh linh bé bỏng đang ngụp lặn giữa một trần gian bao la, và nghĩ lại phận mình, tôi buồn tủi thấy tôi cũng thế, nhỏ nhoi và bất lực.
Tôi nhìn mông lung, đầu óc trống rỗng như căn nhà kho sau cơn hỏa hoạn, chưa biết phải nhét thứ gì vào đó để có cái mà xê dịch. Ánh mắt tôi chợt bắt gặp những cây mận trong khu vườn nhỏ phía sau nhà thằng Hải cò.
– Tí sún nè. – Mắt tôi sáng lên – Tao nhớ ra rồi. người ta cũng hay chôn kho báu trong vườn cây.
– Vườn cây á? – con Tí sún ngơ ngác hỏi lại, không biết tôi định dẫn dắt cuộc phiêu lưu này đến đâu.
– Ờ, vườn cây. – Tôi gật đầu, và chỉ tay về phía nhà Hải cò – Mày nhìn đi! Có thấy vườn mận sau nhà thằng Hải cò không?
Con Tí sún nhìn khu vườn đằng xa rồi quay lại nhìn tôi, chờ đợi:
– Thấy.
– Trong khu vườn đó chắc chắn người ta có chon kho báu! – Tôi nói bằng giọng chắc nịch thậm chí vẻ mặt tôi còn quả quyết hơn cả giọng nói của tôi.
Con Tí sún bán tín bán nghi:
– Ai chôn hở anh?
– Một người nào đó. Có thể là ba mẹ Hải cò. Nhưng cũng có thể là người chủ cũ.
– Thế thì tụi mình đi đào lên đi!
Con Tí sún hào hứng giục, không hẳn nó tin có ai đó chôn kho báu dưới gốc mận mà vì để khỏi phải nghĩ đến chuyện trốn ba mẹ ra đảo hoang hay vô rừng thẳm, điều mà nó tin chắc một đứa điên điên như tôi sớm muộn gì cũng xúi nó làm.
– o O o –