Tối hôm ấy, tôi chống cằm nhìn bông hoa mà Linh từng cài lên mái tóc của tôi. Hoa ép khô, sắc đỏ vẫn rực rỡ như hồi hè tháng năm. Và tôi bắt đầu vẽ, nhưng không phải chiến trường này nọ như tưởng tượng hồi sáng. Tôi vẽ một cây phượng lớn, một ngôi nhà dưới bóng cây phượng và một cô bé gái đang khoác cặp đi học về. Nhà và cây phượng, tôi vẽ được, cơ mà con gái vẽ hơi khó nên tôi hì hục cả buổi tối vẫn chưa xong. Kiểu này phải mua sách về tham khảo mới được! – Tôi tự nhủ.
Dù vậy, tôi vẫn hoàn thành bức tranh chiến trường khốc liệt kia và đổ màu một cách hoàn hảo. Thằng Cuốc trố mắt và khen tôi vẽ đẹp như mấy bức concept art của nước ngoài (thực ra vẫn còn kém xa lắm). Nhưng còn bức tranh kia, tôi chưa vẽ xong. Tôi không biết nên vẽ cô gái thế nào và càng không biết nên đổ màu thế nào cho đẹp. Và để tìm kiếm ý tưởng, mỗi ngày, tôi lại đạp xe qua con đường ấy, đến nỗi thằng Cuốc phải hỏi:
-Đi đường này à? Tôi tưởng ông đi đường kia thì về nhà nhanh hơn chứ?
-Ờ thì về cùng ông cho vui, không thích à? Có thằng bạn quan tâm mà khinh hả?
-Khinh kẹc! – Thằng Cuốc nói – Hồi trước ông bảo đi về đường này mỏi chân mà?
-Bây giờ tôi thích đi cùng ông! Ý kiến giè?
Sau khi tạm biệt thằng Cuốc, tôi đạp xe nhanh hơn và lúc gần tới nhà Linh, tôi lại đạp chậm hơn một chút. Tới nơi, tôi dừng xe ở một chỗ kín đáo và đợi chờ Linh xuất hiện. Chỉ cần thấy em, bức tranh của tôi sẽ hoàn thành. Song lần nào cũng thế, tôi phải ra về với một chút thất vọng. Nhưng chẳng sao, tôi sẽ vẽ bằng trí tưởng tượng của mình. Tôi sẽ tặng em bức tranh ấy nhân ngày sinh nhật.
Đó sẽ là một bức tranh ngày hè, một cô bé khoác cặp đi học về, còn bên kia đường có một anh chàng đang chống cằm trên ghi đông xe đạp và chờ đợi cô bé dưới cây phượng đỏ rực.
Nhưng tôi thực sự không biết em có nhận được nó hay không. Bởi sau này em chẳng bao giờ nhắc về món quà đó. Và nó là cả một câu chuyện dài. Nhưng trước hết, tôi xin phép rúc đầu lên giường, buồn ngủ quá rồi!
**************
Chap 11
Cuộc sống năm lớp 10 của tôi cứ bình lặng như mặt hồ yên ả ngày thu. Tôi không định và cũng không muốn tạo một dấu ấn nào đó cho thời trung học phổ thông. Thằng chọi con Tùng “Teo Tóp” cấp hai đã ở lại với quá khứ, nó không muốn đồng hành cùng tôi nữa. Mất thằng chọi con đó, tôi bớt nghịch ngợm trên lớp và dần thu mình lại. Nếu phải sống như một cái bóng trong lớp cho đến hết thời cấp ba, tôi cũng không phiền. Được cầm bút vẽ, được mỗi ngày chờ đợi trước cổng nhà Linh, với tôi đã là quá đủ.