Ban đầu, môn thi thứ tư chưa được công bố. Trái ngược lũ bạn cầu trời khấn phật để tránh môn lịch sử, tôi lại đặc biệt ủng hộ bộ giáo dục cho thi lịch sử, bởi lẽ tôi… ngu hóa học. Thà học vẹt mấy cái chiến dịch với quân ta tiêu diệt bao nhiêu địch, thu lượm bao nhiêu vũ khí, còn hơn là một mớ chữ đi kèm con số bé tí ti với kết tủa, bay hơi, cháy xèo xèo hoặc nổ đì đoàng vỡ nhà chi đó. Nếu thực sự là hóa học, đời tôi coi như bế mạc. May sao năm ấy, người ta quyết định môn thi cuối cùng là sinh học. Có lẽ nỗi khổ của tôi đã lay động trời xanh! Ơn giời ơn phật! Con cảm ơn!
Áp lực kỳ thi cộng thêm quyết tâm nhắm vào trường B, tôi cố gắng trong mọi môn học và gần như không bỏ lớp học thêm nào. Bởi vì nghe đâu trường tuyển chọn còn xem xét cả học lực (sau này tôi mới biết người ta xét điểm thi, không xét thứ hạng). Tôi lấy lại sự tự tin trong môn toán, điểm lúc nào cũng từ số 8 trở lên. Tiếng Anh và Hóa nhờ năng nổ sáng tạo trong học tập cùng với… quay cóp nên tôi giữ điểm trung bình hai môn ở hạng khá. Nói chung, việc học tập của tôi khá tiến bộ. Nhưng cơn ác mộng của năm lớp 9 lại là môn văn. Phải, văn học! Với đại đa số bọn học sinh ngày ấy, môn đó quá đáng sợ. Đáng sợ không phải vì nó là “văn học”, tôi tin rằng ai cũng có nhu cầu đọc các tác phẩm văn học. Đáng sợ ở chỗ mọi suy nghĩ về tác phẩm của chúng tôi bị bẻ cong theo những lý luận của các ông soạn sách bình luận văn học – mấy thứ sách tham khảo chẳng có giá trị gì ngoài việc cho lũ trẻ con chép vào bải kiểm tra hoặc chuẩn bị bài đối phó kiểm tra miệng.
Quyển vở học văn ngày đó dày ít nhất ba trăm trang, chia thành hai nửa: ngữ pháp và tập làm văn. Ba trăm trang dày đặc chữ nghĩa, bọn trẻ phải nhồi nhét chúng cho tới những ngày cuối cùng của cấp hai. Học thuộc nhé, chứ không phải cảm thụ con khỉ mốc gì đâu! Phần tập làm văn cực kỳ nặng, bao gồm những tác phẩm trọng tâm trong chương trình văn lớp 9. Có thể kể ra những cái tên khủng bố như: Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà, Chuyện người con gái Nam Xương, Truyện Kiều hay cơn ác mộng dày vò bao đứa học sinh mang tên “Người lái đò sông Đà”. Chỉ là ông lái đò, cái thuyền, con sông mà sao chia thành ba mảng phân tích khác nhau, thế rồi chốt lại vẫn là “ánh sáng cách mạng”. Tại sao? Vì giáo viên và sách tham khảo bảo thế! Thành thử văn học trở thành môn học thuộc lòng và máy móc. Đến nỗi có chuyện khôi hài là văn gì thì văn, bắt buộc phải nhét bằng được mấy chữ “chế độ thực dân thối nát” với “ánh sáng cách mạng chói lòa”. Ý nghĩ khác ư? Gạch! Không đúng với barem ư? Gạch nốt! Khi ấy, lũ trẻ con đều mong đợi một vị anh hùng xuất hiện và chôn sống mấy thằng cha bình luận văn học kể trên. Thật!